
(Zing) - Nhiều người rỉ tai nhau, Đà Lạt có những căn biệt thự ma. Qua đêm ở đó, quả thật là kinh khủng!
Lối hành lang hun hút tối trong một căn biệt thự hoang tại Đà Lạt, nơi tôi đã trải qua một đêm 'săn ma' |
Sự đồn đãi này, vô tình tạo một hấp lực đặc biệt khiến du khách muốn đến và tìm hiểu về Đà Lạt, bên cạnh thú vui giải trí, thư giãn trong không khí trong lành, cảnh vật thơ mộng của một xứ sở ngàn hoa. Để “thử thách” mình, tôi đã có một chuyến săn ma, qua đêm trong chính căn biệt thự mà nhiều người đồn đãi có nhiều… ớn lạnh!
Hành trình 'săn ma'…
Ròng rã gần 6 tiếng đồng hồ, từ Thành phố Hồ Chí Minh, tôi mới đặt chân đến được Đà Lạt. Cảm giác chinh phục đèo bằng xe máy khiến tôi hồ hởi khi dừng chân trước hồ Xuân Hương, nơi được xem là thơ mộng nhất của thành phố ngàn hoa.
Hồ Xuân Hương về đêm |
Phố đã lên đèn và đêm bắt đầu đặc lại. Đón tôi là K, anh bạn người địa phương. K tỏ vẻ bất ngờ khi nghe tôi bày tỏ ý định sẽ qua đêm tại căn biệt thự ma để chờ trời sáng.
K nói: “Ở đó làm gì. Lạnh lẽo lắm. Về khách sạn ngủ cho sướng!”. Biết thì biết vậy, nhưng lên Đà Lạt lần này, tôi đã quyết định phải “săn ma” để tìm thử cảm giác.
Thận trọng, tôi nhờ K tìm giúp một phòng ở khách sạn. Trước là để có chỗ nghỉ ngơi, tắm gội, sau là để cất đồ vì chuyến đi xa của tôi có quá nhiều hành lý. Khách sạn nằm trên đường NKKN, giá cả tương đối dễ chịu: 240.000 đồng/phòng/ngày đêm.
Đêm ở Đà Lạt chừng như dài hơn nơi khác và người Đà Lạt cũng không thức khuya như dân Sài Gòn. Vậy nên, cuộc hội ngộ giữa tôi với K và vài người bạn mới quen nhanh chóng kết thúc sớm. Ly rượu đầu hôm chưa đủ thấm, cái lạnh vì thế cứ mặc sức lan toả trong cơ thể.
Chợt thấy lạnh, tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp: “Giờ liệu có nên đi?!”. Anh bạn đồng nghiệp hứng khởi: “Có gì mà sợ. Chỉ là những câu chuyện kể. Có ai dám chắc là mình đã từng thấy ma bao giờ đâu!”. “Ừ, thì đi!” – tôi quyết.
Con đường Trần Hưng Đạo cực kỳ vắng vẻ. Dường như người Đà Lạt ái ngại khi đi qua lối này. Hai bên đường, những dãy nhà hoang mà nhiều người đồn đãi, cho đó là những biệt thự ma lần lượt hiện ra, lãnh lẽo, u ám. Những câu chuyện kể về các oan hồn mà tôi từng nghe kể được tua lại trong đầu như những thước phim trả ngược.
“Người ta nói, ở những căn biệt thự này có ma. Ghê lắm. Buổi tối ngang đó một mình dễ nghe tiếng rên, tiếng hú” – Giọng của N, một người dân địa phương văng vẳng.
Lại có tiếng của H – bạn K: “Hôm trước Tết một người bà con của em mới tự tử ở chỗ đó. Chết bằng cách thắt cổ. Chỗ đó giờ lạnh lẽo lắm!”
“Bạn không nên lên đó. Dù tin hay không, các bạn cũng không nên đùa với nó!” – giọng đe doạ của một người bạn từng gắn bó với Đà Lạt, làm tôi hơi… hoảng!
…Tất cả chỉ thoáng qua. Vì chí tôi đã quyết.
|
Những căn biệt thự hoang như thế này ở Đà Lạt quá nhiều |
Tiếp cận
Giờ đây, tôi và anh bạn đồng nghiệp đã có mặt ngay trước căn biệt thự mà mọi người cho là rất kinh khủng của Đà Lạt. Căn biệt thự được đóng kính cổng nhưng bức tường rào không cao quá đầu người chẳng lấy gì làm khó khăn khi tôi… đột nhập.
Trong ánh đèn lờ nhờ phát ra từ cây đèn pin nhỏ, tôi phát hiện ra tấm giấy trắng in dòng chữ đen có nội dung “Hiện nay công trình đang thi công, đề nghị không ai được vào bên trong” dán ngay gần mép cửa.
Không gian đặc sẫm. Chỉ có những tiếng gió vấn vít nơi ngọn thông nghe rờn rợn. Một tấm chiếu được trải xuống nền nhà thấp ẩm. Anh bạn tôi bật quẹt, đốt một ánh nến. Anh lửa cháy le lói. Mùi âm ẩm từ đất bốc lên, ngai ngái. Vậy là đêm nay tôi và anh bạn đồng nghiệp sẽ ngủ trong ngôi biệt thự ma!
Trằn trọc mấy lần mà không ngủ được. Tôi lôi chai rượu đã thủ sẵn từ chiều giấu trong ba lô, rủ anh bạn đồng nghiệp khề khà cho ấm. Gió lạnh theo khe hở của cánh cửa mục nát lùa vào, rờn rợn.
Trong căn nhà hoang này, đã từng có một người đàn ông treo cổ tự tử |
Anh bạn uống chút rượu, rồi hồn nhiên kể: “Người ta nói những căn biệt thự này được xây hồi thời Pháp. Không biết vì lý do gì mà người ta bỏ trống, riết rồi thành nhà hoang”.
Tôi góp chuyện: “Biết đâu tại phong thủy hay kiến trúc không hợp với không gian, khí hậu ở đây nên người ta khó ở”.
Anh bạn cười gằn: “Chứ không phải tại có thế lực siêu hình nào đó à? Tui nghe kể, thời chiến tranh có nhiều người chết”.
“Cái đó thì không biết” – tôi nói – “Nhưng tui có nghe kể một câu chuyện: có 3 chàng sinh viên nọ, vốn liều lĩnh nên thách đố nhau, người nào dám ngủ qua đêm ở biệt thự ma thì hôm sau sẽ được bao một chầu. Tối đó, chàng sinh viên nọ cầm đèn mò tới, định ở qua đêm chờ trời sáng. Đêm càng lúc càng sâu mà mặt trời chờ hoài không thấy rạng. Bất ngờ, chàng sinh viên nhìn thấy bóng một chiếc đầm màu đỏ chảy dài từ trên cầu thang xuống. Hoảng hồn nhưng rồi cũng định thần lại, chàng trai càng tiến gần thì bóng chiếc đầm màu đỏ càng lùi lại. Sau này tìm hiểu, chàng sinh viên mới biết, hoá ra dưới hầm rượu căn nhà có một bộ hài cốt nữ, bên cạnh là cuốn sổ tay nhật kí nhàu cũ ghi lại lý do vì sao cô tự tử”.
“Câu chuyện ấy có thật không?” – anh bạn tôi ngờ vực.
“Cũng chẳng biết. Chỉ nghe kể. Và người ta còn nói rằng, trong những ngôi biệt thự này, ban đêm khi đi ngang còn nghe cả những tiếng hú, tiếng khóc” – tôi nói.
- Vậy mà nãy giờ có nghe, có thấy gì đâu?
- Thì vậy! - tôi và anh bạn đồng nghiệp trôi vào giấc ngủ.
KHÔNG CẦN LÝ GIẢI!
Tôi thức dậy khi tia nắng đầu ngày chiếu xiên qua mặt. Nhìn đồng hồ, vẫn chưa tới 6 giờ sáng. Anh bạn đồng nghiệp của tôi thì đã dậy từ khi nào.
Thấy tôi còn lơ mơ ngủ, anh cười: “Tối qua có thấy gì không?”. Tôi lắc đầu: “Chẳng thấy gì. Chỉ thấy người hơi ê ẩm!”.
Đó là hậu quả của việc nằm đất, trong căn nhà ẩm thấp – anh bạn tôi nói thế.
Bên trong ẩm thấp của một ngôi nhà hoang được đồn đãi là có ma |
“Thế còn anh bạn, có thấy gì không?”, tôi hỏi lại.
Anh bạn cười: “Có. Một ánh sáng vụt qua!”. Tôi chau mày, anh bạn cười lớn: “Đùa thôi. Chứ có thấy gì đâu!”.
Một nhiếp ảnh gia có tiếng của Đà Lạt khi nghe chúng tôi mang đề tài này ra phiếm luận đã nhìn nhận: “Tin hay không là tùy các bạn. Chuyện ma cỏ, tôi, nghĩ, nó thuộc về thế giới tâm linh. Riêng với với tôi, một người sống lâu năm ở cái xứ sở sương mù Đà Lạt này, tôi chưa bao giờ thấy ma xuất hiện ở khu biệt thự ma dù người ta vẫn hay đồn rằng nơi ấy có nhiều điều huyền hoặc. Tôi nghĩ, người ta thấy ma là thấy trong tâm tưởng, trong tiềm thức. Chẳng hạn, một đứa bé khi mới sinh ra sẽ không biết sợ ma, nhưng theo thời gian, lớn lên, nó nghịch ngợm sẽ bị cha mẹ nhát kiểu nghịch ngợm quá sẽ bị ma bắt, riết rồi in sâu trong tiềm thức, trong trí óc tưởng tượng. Tôi đoán là các bạn đã có một đêm không yên giấc và ngủ ngon khi phải qua đêm trong một ngôi nhà hoang, lạnh, nền đất ẩm thấp".
Có lẽ đúng vậy. Sau chuyến săn ma, tôi chỉ thấy lưng mình hơi mỏi!
Bài và ảnh: Hàm Tiếu Tử
Lời nguyền trên cây cầu ma
Một nữ sinh trẻ xinh đẹp, nặng lòng yêu đương bị người yêu ruồng bỏ sau khi “ăn trái cấm”. Cô tìm ra cây cầu gieo mình xuống dòng nước với cái thai trong bụng. Người đời đồn rằng người con gái ấy đã để lại lời nguyền độc ác đầy ứng nghiệm cho cây cầu…
Những cái chết bí ẩn
![]() Ảnh minh họa |
Bây giờ, nơi cây cầu cô sinh viên đó nhảy xuống đã có tên cầu hẳn hoi, mà cái tên cũng rất thảm thương như dấu ấn bi thương để “tưởng niệm” các cô gái chết trẻ vì tình - cầu Đa Cô. Người ta kể rằng, vì cây cầu là nơi nhiều cô con gái ở tuổi “ô mai” tìm đến nhảy sông tự vẫn vì tình nên dân gian đặt tên cho cầu là Đa Cô.
Về mặt thông số vật lý, cầu Đa Cô có chiều rộng 9m, dài 33m, nằm trên QL 1A chạy qua quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, là cung đường rất rộng, đẹp, thoáng đạt và tiện lợi để tham gia giao thông. Nhưng cây cầu lại thường xuyên có người nhảy cầu tự tử và là điểm đen tai nạn giao thông!
Theo thống kê của chính quyền địa phương, có gần 20 cô gái chết ở đây bằng cách nhảy cầu. Nhưng trong thời gian 5 năm trở lại đây, đã có 7 người tự tử rơi vào trường hợp các cô gái tuổi còn rất trẻ, gặp rắc rối trong chuyện tình cảm, đã chọn nơi đây để gieo mình.
Những cô gái sống sót kể lại rằng, phần vì họ bị ám ảnh rất nhiều khi nghe người ta kể và cảnh báo về oan hồn chết vì tình trên cây cầu trên. Chính họ bảo, nhiều khi đau đầu quá, cũng là lúc bắt gặp oan hồn đó về mời gọi, thậm chí “cưỡng bức” đến cầu để giải thoát những đau khổ về tình yêu (!?).
“Nó” còn bắt mọi người phải “sống tốt” với ma quỷ nếu không muốn bị hành hạ, đày đọa. Chính vì thế mà những am miếu thờ hai bên cầu lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Người ta còn đồn rằng cô sinh viên kể trên rất hay hiện về dưới muôn hình vạn trạng. Người đang đi xe mà thấy cô thì không đủ khả năng làm chủ tốc độ. Lời đồn thổi khiến ai đi qua cầu cũng cố phóng xe thật nhanh, khiến tai nạn thường xuyên xảy ra, mà số nạn nhân nữ chiếm tới hơn 80%.
Đi tìm tung tích cô gái đã để lại lời nguyền
Chúng tôi đi tìm những người biết cô gái đã chết vì tình oan và để lại lời nguyền độc đó. Người thứ nhất là cô Đặng Lan, giáo viên bộ môn văn đã có quan hệ thân thiết với cô gái. Ngày đó cô đã hướng dẫn cô bé làm đề tài nghiên cứu về văn học dân gian nên hiểu tâm tư tình cảm và tính khí của cô gái. Người thứ hai là thầy giáo Nguyễn Khắc Sinh, Giảng viên dạy văn trường ĐHSP Đà Nẵng, nơi cô gái đã học 2 năm.
Chuyện kể rằng 21 năm về trước, lúc đó, trường ĐHSP Đà Nẵng mới là Cao đẳng Sư phạm, thành phố cũng còn xơ xác và tiêu điều lắm. Trường CĐSP hoang vu nhưng đã thu hút rất nhiều cử nhân về tu nghiệp. Trong khóa 9 của trường, khoa sư phạm văn nhiều nổi trội hơn cả, là khoa đắt giá nhất của trường, cũng là khoa tập trung nhiều nữ sinh tươi tắn, xinh đẹp.
Trong lớp K9 ấy có Hoàng T.N, quê ở Hòa Vang, nổi tiếng xinh đẹp nên được nhiều chàng trai để ý. N học rất giỏi, chăm chỉ, bạn bè và thầy cô trong trường ai cũng quý mến. Năm thứ 3, cô phải lòng một chàng sinh viên Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Quá say mê yêu đương, sức học của N giảm hẳn. Cái gì đến đã đến, N có bầu đến tháng thứ 4 mới biết. Chàng trai biết tin như bừng tỉnh khỏi cơn mê, anh ta hứa về quê xin cha mẹ cho cưới nhưng rồi không thấy quay lại...
Còn thầy Nguyễn Khắc Sinh kể: Vào một đêm trăng sáng vằng vặc lạ thường, nửa đêm, khi các phòng đã tắt đèn đi ngủ, thì N mở cửa phòng đi ra. Thấy N vẫn mặc quần áo ngủ nên mọi người cũng không để ý. Đến khi đợi mãi không thấy N về, cả phòng mới tá hỏa đi tìm.
N bần thần đi ra cây cầu hoang cách trường gần một cây số, nằm ở phía Nam trường học. Nhiều người đi chợ đêm thấy cô đứng trên đó khóc ngặt nghẽo, thống thiết gọi mẹ, gọi cha, gọi tên người yêu và oán rằng sẽ chết. Mọi người càng can ngăn N càng hung dữ. Trước khi lao mình xuống dòng nước, N la thảm thiết: “Tôi chết cho thằng đó phải chết. Những ai yêu như tôi sẽ phải chết như tôi, tại cây cầu này…”.
Sáng hôm sau, thành phố bừng tỉnh sớm hơn so với lệ thường để chuẩn bị cho công tác vớt xác N và lo hậu sự. Nhưng mất đến hai ngày hai đêm lặn hụp, người ta vẫn không vớt được xác của N. Cho đến khi phải đem rào gai buộc mấy tạ đá chim xuống đấy và lôi cả tấn rác lên mới kéo được xác cô. Người ta nói xác cô bị chìm xuống lớp bùn rác tới mấy chục cm. Đó có thể chỉ là một chi tiết hư cấu, khiến lời nguyền ma trên cây cầu càng thêm quái đản.
Cần một giải thích khoa học
Để tìm lời giải thích khoa học cho hiện tượng chết người hàng loạt trên cây cầu, chúng tôi đã tìm gặp những người làm công tác khoa học tại địa phương. TS. Nguyễn Văn Thanh, cán bộ khoa tâm lý trường ĐHSP Đà Nẵng, giải thích rằng: “Có thể giải thích hiện tượng có một số cô gái tự tử trên cũng giống như cầu Tràng Tiền ở Huế mà báo chí đã đưa tin nhiều, do hiệu ứng tâm lý, xu hướng thường xảy ra ở lớp trẻ cực đoan muốn tìm đến cái chết là thường. Không phải chuyện ma quái như thiên hạ đồn thổi quá đáng”.
GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khẳng định: Đó chỉ là do dân gian cuồng tín không giải thích được những cái vu vơ chưa biết, con người tự tạo ra “di ảnh” để vừa lòng mình, trấn an mình mà thôi. Chỉ cần có người có trí tuệ, thẩm quyền đứng ra lý giải là giải được “lời nguyền”.
Hiện nay, tại Việt Nam có một số điểm đen về tai nạn giao thông như trên, có công trình nghiên cứu với giả thiết rằng giữa những điểm đen đó có từ trường do nhiều tính chất phức tạp của địa chất tạo nên. Ví như dưới đó có mỏ quặng, hoặc hai long mạch giao nhau... thì khi nhiệt độ trái đất tác động sẽ sinh ra điện trường nên người tham gia giao thông gây phân não, tác động vào nơ-ron thần kinh, làm mất khả năng điều khiển, có thể tạo ảo ảnh giả, không còn khả năng chủ động... đó chính là nguyên nhân gây tai nạn.
Đến nay dưới lớp đất cầu Đa Cô có hiện tượng trên hay không thì chưa có đoàn khoa học cấp Nhà nước về khảo sát.
Những cảnh tượng đốt hương, lập am miếu thờ bừa bãi đi trái với quy định 188/QĐ- UB- 2005 của UBND quận Liên Chiểu về cấm lập am, miếu thờ, cúng bái và tuyên truyền mê tín dị đoan tai nạn nơi công cộng. Chính quyền địa phương phải giải quyết quyết liệt hơn để dẹp bỏ hiện tượng “cầu ma” đang hoành hoành bá đạo cuộc sống của người dân nơi đây.
Theo Công luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét