Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

Pháp luật không thể tiếp tay cho hành động bất hiếu

Ông Dương Trung Quốc nói gì về vụ con kiện mẹ?



"Gieo gió thì ắt gặp bão. Trường hợp ông Thành đòi người mẹ bồi thường và tính toán chi li như vậy là mất đạo đức, là bất hiếu. Nếu tính sòng phẳng, chi li ra thì tại sao không tính số tiền bố mẹ nuôi ông ta từ lúc lọt lòng?"


Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay bày tỏ quan điểm bất bình của mình trước vụ việc con kiện mẹ đòi tiền công nuôi dưỡng. Theo ông Quốc, hiện tượng này tuy là cá biệt khi đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng những dạng con cái bất hiếu với bố mẹ trên thực tế hiện nay không ít...



Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Trường hợp ông Thành đòi người mẹ bồi thường và tính toán chi li như vậy là mất đạo đức, là bất hiếu". Ảnh H.Nguyên



- Ông đã từng nghe hoặc chứng kiến việc con kiện mẹ ra toà đòi tiền công nuôi dưỡng lần nào trong "lịch sử" chưa?

- Vụ con kiện mẹ ra toà để đòi tiền công nuôi dưỡng ở xã hội hiện nay quả là chuyện “hy hữu”. Tôi nghĩ cơ quan pháp luật đã xem xét nhiều khía cạnh khác nhau và có một phán quyết hợp tình hợp lý.


Đây là một hiện tượng gây bức xúc trong xã hội bởi vì nó nằm ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Nói chính xác hơn, đó là sự suy đồi đạo đức xã hội trước sự phát triển của đời sống và là mặt trái của kinh tế thị trường. Rất đáng lo lắng.


- Theo quan sát của ông thì liệu đây có phải là hiện tượng cá biệt trong mối quan hệ truyền thống gia đình Việt Nam xưa nay, hay đó là đại diện của tình trạng con cái bất hiếu với cha mẹ, anh em bất nghĩa với nhau... đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện nay?


- Thời phong kiến ngày xưa, tội nặng nhất là tội bất hiếu, sau đó là bất trung với triều đình, với nhà vua. Và chữ Hiếu chính là thứ để phân biệt giữa con người với con vật. Tội bất Hiếu là tội rất nặng.


Trường hợp ông Thành đòi người mẹ bồi thường và tính toán chi li như vậy là mất đạo đức, là bất hiếu, thêm nữa người mẹ lại không còn khả năng lao động để gánh vác kinh tế gia đình. Bây giờ đặt câu hỏi ngược lại là ai trả cho người mẹ công ơn nuôi dưỡng người con trai trưởng thành?


Nếu mà tính sòng phẳng, chi li ra thì tại sao không tính số tiền bố mẹ nuôi ông ta từ lúc lọt lòng, thậm chí các cụ ngày xưa còn tính từ lúc nằm trong bào thai… đến lúc trưởng thành. Riêng chuyện đó đã thấy bất Hiếu, bất Nghĩa rồi, chưa nói đến phi đạo đức.


Vụ việc này cũng là một sự cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Ngoài dư luận xã hội, cần tiếng nói của pháp luật, phải đặt lên “bàn” pháp luật. Tôi tin rằng, không có một pháp luật nào bảo vệ cho hành vi đó.


Tôi cho rằng, hiện tượng này tuy là cá biệt khi đưa lên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng những dạng con cái bất hiếu với bố mẹ trên thực tế không ít, cả những cuộc tranh giành tài sản trong gia đình, gia đình có cả cha mẹ, anh chị em ruột… ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Và chính hệ thống pháp luật phải càng quan tâm đến những hiện tượng trên mà điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời, tạo ra được dư luận xã hội nhằm lên án những hành vi đó.


Chúng ta đã có một số chính sách đối với người cao tuổi trong đó có những người già không có được sự chăm sóc của con cái. Tôi nghĩ rằng ở đây cũng phải đề cập đến giá trị đạo đức, cho dù xã hội phát triển đến mấy nhưng người ta vẫn phải nhắc đến việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ… Có như vậy mới tạo được ra xã hội phát triển tiến bộ nhưng vẫn giữ được những giá trị đạo đức truyền thống.


- Vậy theo ông, cần phải làm gì để ngăn chặn từ gốc những hành vi tương tự mà điển hình là vụ việc con kiện mẹ đòi tiền nuôi dưỡng ở Vĩnh Phúc vừa qua?

- Phải tạo ra một diễn đàn để mọi người bày tỏ, tâm sự… để từ đó tìm ra sự đồng thuận. Chúng ta đang sống trong một xã hội trong quá trình chuyển đổi lớn, đương nhiên những giá trị đạo đức có thể thay đổi, vì vậy, trong từng vụ việc như vậy, chúng ta nên tìm ra một sự đồng thuận để có thể giữ gìn và phát huy được giá trị đạo đức xã hội. Tôi tin rằng giá trị đạo đức không bao giờ bị lạc hậu cả.


-
Cũng có ý kiến cho rằng, việc giáo dục đạo đức, lòng hiếu đễ cho con người phải bắt nguồn từ mỗi gia đình trước tiên? Ông nghĩ sao?

- Có một câu nói dân gian của người xưa, nhưng rất sát thực là “Cái nợ đồng lần”, tức là các mối quan hệ luôn luôn được kế thừa. Chúng ta đối xử với cha mẹ mình như vậy, rồi thì con cái mình sẽ đối xử với mình ra sao? Chính cái mối quan hệ đó đặt ra cơ sở đạo lý giá trị lâu dài, tức là mối quan hệ nhân quả trong đời sống xã hội.


"Gieo gió thì ắt gặp bão", có nhiều tác động dẫn đến đạo đức xã hội đang bị “xói mòn”, nhưng tôi cho rằng hiện nay cha mẹ không thường quan tâm nhiều đến con cái, mà họ thường quan tâm đến tạo điều kiện cho con cái phát triển. Và như vậy, những cái tích lũy tài sản thường thường được xã hội hoá nhiều hơn, đưa vào xã hội nhiều hơn. Đây cũng là một mặt tiến bộ.


Vụ việc chúng ta đang bàn trên liên quan đến pháp luật thì toà án phải xét xử, mà Luật chưa hoàn chỉnh thì chúng ta phải hoàn thiện dần. Ngoài ra, chúng ta phải tạo ra toà án dư luận thì theo tôi mới có giá trị.



GS Nguyễn Lân Dũng:

Chữ Hiếu của ông Thành để đâu?



Vụ việc hy hữu "con kiện mẹ đẻ ra toà đòi tiền công nuôi dưỡng" xảy ra tại tuyện Tam Đảo gây phẫn nộ trong dư luận thời gian qua. GS Nguyễn Lân Dũng, một trong nhiều người con của dòng họ Nguyễn Lân nổi tiếng về hiếu đễ, bất bình: "Chữ Hiếu của ông Thành để đâu rồi?".




GS Nguyễn Lân Dũng: "Hãy để lại cho con cháu không phải là đất đai, tiền của mà là một nền học vấn, một lý tưởng cao đẹp và một ý chí tiến thủ". Ảnh: Lanhdao.net


- Thưa GS, ông có cảm nhận và suy nghĩ trước hiện tượng băng hoại đạo đức như vụ việc con kiện mẹ đẻ ra tòa đòi tiền công nuôi dưỡng xảy ra tại Vĩnh Phúc?

- Tôi nghĩ rằng có lẽ trên đời này hy hữu lắm mới có những người con như vậy. Đáng tiếc đấy lại là một gia đình liệt sĩ, một gia đình có người con quên cả thân mình để hiến dâng cho Tổ quốc.


Công sinh thành của Cha Mẹ ví như trời biển. Từ xa xưa người Việt Nam mình ai cũng thuộc câu "Công cha như núi Thái Sơn, Công mẹ như nước trong nguồn chảy ra, Một lòng thờ mẹ kính cha, Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con".


Chữ Hiếu của ông Thành để đâu rồi? Ông kiện tiền nuôi dưỡng Mẹ đẻ của mình thế thì ai nuôi ông nên người hôm nay? Ông không biết suy tính xem con cái ông sẽ nghĩ gì về ông, chưa kể đến hàng xóm, láng giềng, họ hàng, bè bạn. Nhẽ nào ông sống một mình trên đời này?


Bao nhiêu người đau khổ vì cha mẹ mất sớm trong khi mình chưa kịp có thời gian bao nhiêu để phụng dưỡng, báo hiếu cho cha mẹ mình.


- Câu chuyện trên tuy là hy hữu, nhưng lại không phải là dẫn chứng duy nhất về sự bất hiếu của con cái đối với cha mẹ trong xã hội hiện nay. Vậy cần phải làm gì để ngăn chặn, lên án, tẩy chay hiện tượng trên, thưa GS?


- Tôi nghĩ nên coi đây là bài học để giáo dục những người con bất hiếu, những người vô lương tâm, nhất là những kẻ vì nghiện hút mà bòn rút hết của cải của cha mẹ để thỏa mãn tệ nạn xấu xa của mình.


Ngày nay người ta coi những người bị nghiện như bệnh nhân, như nạn nhân chứ không phải là phạm nhân. Nhưng những đứa con hiếu thảo biết nghĩ đến công sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ thì không bao giờ sa chân vào con đường nghiện ngập hoặc ăn chơi trác táng.


Thật bất hạnh thay cho những gia đình có những đứa con, niềm hy vọng lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ, mà phải trông thấy con mình sa ngã, hư hỏng. Nên dùng câu chuyện này để giáo dục thanh thiếu niên.


Sống phải có lý tưởng, phải mong muốn đóng góp cho xã hội và đó là sự đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô và sự chăm sóc của xã hội. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình thì đâu còn có cái gọi là nhân cách?


Tôi tin rằng ngay địa phương ông Thành sinh sống, bà con láng giềng cũng sẽ tỏ thái độ giúp ông Thành nhận ra sự thất đức của mình và cần cúi đầu xin lỗi người mẹ già đã cả đời hy sinh nuôi dưỡng mình nên người. Dù giữa mẹ con có điều gì hiềm khích với nhau thì phận làm con đương nhiên phải bỏ qua cho mẹ của mình và nếu có sự va chạm về quyền lợi thì có khó khăn gì mà không biết nhường cho mẹ.


Tôi rất tiếc là chúng ta ít in lại những cuốn sách Quốc văn giáo khoa thư mà bao thế hệ trước đã từng thuộc lòng từng câu, từng chữ. Truyện Nhị thập tứ hiếu cũng cần in lại và khuyến khích thanh thiếu niên đọc để noi theo.


- Theo GS thì việc giáo dục đạo đức nói chung, lòng hiếu đễ nói riêng cho mỗi con người cần phải bắt đầu từ đâu?

- Ngoài gia đình thì nhà trường cũng phải góp phần giáo dục ngay từ khi trẻ đến lớp Mầm non. Cây phải được uốn từ khi còn non mới có thể vươn thẳng lên được. Tất nhiên làm bố, làm mẹ thì phải gương mẫu và hết mực thương yêu con cái.


Những đứa trẻ hư hỏng thường rơi vào trường hợp các gia đình bất hòa, cha mẹ ly dị nhau hoặc sống với nhau vì ngjhĩa vụ chứ không vì tình nghĩa. Không ít gia đình mải lo kiếm tiền mà sao nhãng việc giáo dục con cái.


Hãy để lại cho con cháu không phải là đất đai, tiền của mà là một nền học vấn, một lý tưởng cao đẹp và một ý chí tiến thủ. Chúng tất sẽ giỏi giang hơn mình và cũng sẽ không thiếu thốn gì về vật chất khi thực sự có tài năng và chí tiến thủ.


Cha mẹ sống không liêm khiết, gian dối, lừa lọc người khác, nịnh hót người trên, bắt nạt người dưới … thì làm sao mong con cái mình nên người, dù cho có để lại cho chúng hàng núi của cũng vậy mà thôi.


Xin cảm ơn Giáo sư!



Nguyên Bộ trưởng TN & MT Mai Ái Trực:


Pháp luật không thể tiếp tay cho hành động bất hiếu


Vụ việc con kiện mẹ đòi tiền nuôi dưỡng là biểu hiện xuống cấp về đạo đức trong xã hội. Từ câu chuyện này đặt ra yêu cầu cấp thiết là các gia đình phải quan tâm, giáo dục con cái ngay từ trong gia đình, từ thuở ấu thơ.


Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng từng con người, trong đó gương ông bà, bố mẹ là rất quan trọng. Con cái sẽ noi theo tấm gương đó để sống và nếu nhìn thấy bố mẹ đối xử với ông bà thế nào, thì con cái sẽ đối xử lại với bố mẹ như thế.


Vụ việc nói trên, theo tôi, không phải là hiện tượng cá biệt về sự đối xử bất hiếu của con cái với cha mẹ đâu, mà đó chỉ là sự kiện điển hình, đặt ra cho xã hội phải suy nghĩ.


Có hai việc cần làm rất quan trọng để giải quyết vấn đề trên, đó là gia đình phải quan tâm, giáo dục con cái từ cái lúc còn bé và thứ hai nữa là phải làm gương cho con, thiếu một trong hai vế đều hỏng, vì nếu chỉ làm gương không chưa đủ mà còn phải giáo dục, vì xã hội có sự tác động rất mạnh mẽ đến suy nghĩ, nhân cách của mỗi con người.


Và tất nhiên, trong vụ việc này, pháp luật không thể tiếp tay cho hành động bất hiếu, trái đạo lý của ông Thành được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét