Sau khi gặp cụ Trước, người bị con kiện đòi tiền công nuôi dưỡng, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với ông con trai cả của cụ là Ngô Xuân Thành để tìm hiểu kỹ hơn thực hư vụ việc. Không những không hối hận vì hành vi trái đạo lý của mình, ông Thành còn lập luận: "Mẹ tôi không nhận tôi thì tôi phải đòi tiền công nuôi dưỡng. Đến ôsin trông người già còn có lương nữa là tôi".
Sỉ nhục mẹ đẻ!
Rời nhà bà cụ Trước, chúng tôi rẽ vào nhà chị Nguyễn Thị Thư, người cùng thôn Suối Đùm với cụ Trước - cũng là người đã chứng kiến những hành vi bất hiếu, mất hết tình người của ông Thành với mẹ đẻ.
![]() |
Ông Ngô Xuân Thành một mực khẳng định bản di chúc là thật. Ảnh Nguyễn Chiến |
Nhớ lại câu chuyện cũ, chị Thư vẫn không giấu được vẻ bất bình: "Đến giờ tôi vẫn không thể tin được ông Trước là người đi nhiều nơi, có tầm nhìn xa rộng mà lại có thể ứng xử với mẹ đẻ mình như thế. Năm 2005, tôi có mua lúa vụ chiêm ở ruộng của bà cụ Trước rồi đưa tiền cho cụ. Còn vụ mùa thì nhà ông Thành không trả lúa cho bà cụ.
Hôm đấy trước mặt tôi, chú Viễn trưởng thôn và rất nhiều người, ông Thành không trả lúa mà cứ chửi bà cụ. Ông ấy chửi: "Con già ăn lắm thì ăn cái b…ấy!" Bà cụ cứ run cầm cập không nói được gì mà chỉ ngồi khóc. Sau đấy, ông Thành còn nhổ nước dãi vào mặt vào người bà cụ. Chỉ đến khi ông Quảng - Bí thư chi bộ thôn - can thiệp ông ấy mới thôi.
Không chỉ ông Thành mà cả vợ ông ấy cũng chửi bà cụ thậm tệ. Bà cụ vác cuốc ra đồng để làm thì bị bà con dâu giằng cuốc vưt đi. Cụ tìm mãi không được nên đành phải quay về.
Ông Thành sống ở làng xóm suốt ngày chỉ ăn rồi vác đơn đi kiện. Việc nhỏ chẳng có gì ông ấy cũng làm đơn kiện. Trong khi ở nhà thì hai vợ chồng suốt ngày chửi nhau. Cả họ Ngô họ bỏ, không quan hệ với ông Thành nữa".
"Ô sin nuôi người già còn có tiền công, nữa là tôi"
Khi chúng tôi tìm gặp ông Ngô Xuân Thành tại nhà riêng thì vợ con ông đều đi vắng, chỉ còn ông đang phơi rơm ở đầu ngõ. Khác hoàn toàn với dự đoán của chúng tôi, ông Thành không những không tỏ ra e ngại, thậm chí còn hân hoan khi thấy có nhà báo về tìm hiểu sự việc.
Vừa lục tìm cả đống tài liệu để tiếp tục theo kiện, ông Thành vừa kể: "Năm 2005, chính quyền địa phương quyết định tặng cho bà cụ nhà tôi căn nhà tình nghĩa. Tôi lên nói thẳng với xã là từ trước đến nay tôi vẫn nuôi bố mẹ tôi. Hoàn cảnh gia đình tôi thì tạm đủ nên tôi xin nhường căn nhà tình nghĩa đó cho người khác. Nhưng xã bảo quyết định là ở bà cụ. Đơn xin cấp nhà tình nghĩa là do bố mẹ tôi đứng tên.
Lúc đầu chính quyền dự định xây nhà tình nghĩa cho cụ ở mảnh đất có ngôi nhà 5 gian nhưng sau đo, chẳng hiểu ông Khánh em tôi lên nói với xã thế nào mà lại xây trên mảnh đất khác gần kề nhà ông ấy. Nếu nhà nước đã cố tình xây nhà tình nghĩa cho mẹ tôi thì quay phim, chụp ảnh ở đâu phải xây dựng đúng ở đấy chứ không xây ở nơi khác như thế này được".
Khi chúng tôi hỏi về việc đòi tiền công nuôi me, ông Thành khẳng định: Việc này là có thật. Tuy nhiên, ông Thành lại lật ngược vấn đề khi cho rằng, "Tôi không kiện mẹ tôi mà mẹ tôi nghe lời xúi bẩy của các con đứng đơn kiện tôi, đòi lại nốt nửa mảnh đất nằm trong di chúc của bố tôi để lại. Tôi chỉ là người theo kiện chứ không phải người đi kiện. Tôi đòi vì mẹ tôi không chấp nhận tôi là con nữa.
Chính vì thế, tôi mới đòi bà cụ 176 triệu là số tiền công tôi nuôi dưỡng bà cụ từ 7/7/1997 đến ngày 8/7/2005, mỗi ngày là 50.000 đồng (ngày cụ được tặng nhà tình nghĩa), công bảo quản khối tài sản là 600.000 đồng/ tháng kể từ ngày 7/7/1997 đến ngày xét xử sơ thẩm, số cây bà cụ đã chặt trị giá 10 triệu đồng, 1 bộ đỉnh đồng trị giá 4 triệu đồng và giá trị ½ căn nhà tình nghĩa xây cho cụ là 8,5 triệu đồng.
Bố mẹ người ta, người ta không nuôi được còn phải mất tiền đi thuê người ở. Vì thế tôi nuôi bà cụ mà không được nhận là con thì tôi cũng phải được tính công chứ. Dù ngày xưa cả 2 cụ cùng nuôi tôi nhưng giờ bà cụ không chấp nhận tôi làm con thì coi như chỉ có bố tôi nuôi tôi".
Tiếp tục kiện đòi chia nhà tình nghĩa...
Khi đặt vấn đề bản di chúc là giả hay thật? Ông Thành lập tức lấy cho chúng tôi xem bản di chúc photo có công chứng nhà nước và khẳng định: "Không bao giờ có chuyện đó (không có chuyện di chúc giả- pv). Bản di chúc này lập năm 1997 có dấu điểm chỉ của cả 2 bố mẹ tôi, có cả dấu và chữ ký của chính quyền địa phương. Nếu bản này là giả thì công an người ta đã vào điều tra từ lâu rồi".
![]() |
Đơn khiếu nại gửi lên Toà án NDTC của ông Thành. Ảnh Nguyễn Chiến |
Hỏi tấm di chúc này do ai viết thì lúc đầu, ông Thành quả quyết do cụ Thái (bố ông ấy) viết. Sau một lúc loanh quanh, ông Thành lại thú nhận là do mình viết, đồng thời, vẫn khẳng định: "Việc tòa hủy bản di chúc là sai với pháp luật. Hôm trước tôi vừa xem tivi thấy Giám đốc thẩm nói rằng di chúc cứ sau 10 năm tính từ ngày lập là có hiệu lực vĩnh viễn, không thể hủy dù người lập còn sống. Còn việc tôi đòi một nửa căn nhà tình nghĩa thì tôi đã hỏi bạn tôi là thẩm phán, anh ấy bảo đòi được. Căn nhà đó nhất định phải chia đôi".
Khi chúng tôi đề cập đến những hành vi ứng xử bất hiếu với mẹ như phản ánh của hàng xóm, ông Thành chối quanh: "Tôi không chửi cũng như không nhổ nước dãi vào bà cụ, tôi chỉ nói thôi. Tôi chỉ bảo tại sao trong ngần đấy người con bà lại không nhận tôi. Thế thôi! Tôi không có lấy của bà cụ một mùa lúa nào. Ruộng của bà cụ tôi chỉ làm hộ thôi. Nhà tôi không thiếu thốn gì mà phải lấy lúa của bố mẹ.
Ngay cả tiền tuất của chú Bình tôi cũng không cầm. Bà cụ cầm và chia cho ai tôi cũng không biết. Cô Thanh con gái bà cụ lĩnh chứ không phải là tôi. Tôi có lương rồi còn cầm tiền đấy của cụ làm gì".

Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện với chúng tôi, ông Thành khẳng định: "Tôi vẫn sẽ tiếp tục khiếu nại lên Trung ương. Tôi đã ra Hà Nội 2 lần để nộp đơn rồi. Tôi sẽ khiếu nại kết luận của tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc hủy bản di chúc của bố mẹ tôi cho tôi.
Còn việc có tiếp tục đòi bà cụ tiền công nuôi dưỡng không thì tôi còn đang cân nhắc. Vì bà cụ là mẹ liệt sỹ nên sẽ được tòa bênh, tôi khó mà đòi khoản tiền này được (!)"
Nguyễn Chiến - Kim Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét