Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

Theo chân 9x đi... phá thai

298 magnify

Năm tháng đầu năm 2008, khoa Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) BV Từ Dũ TP.HCM đã tiếp nhận trên 13.000 ca nạo hút thai (NHT), trong đó đối tượng vị thành niên chiếm khoảng 10% (hơn 1.300 ca) và 60% là thai to trên 12 tuần tuổi. Tại BV Hùng Vương, chỉ riêng việc phá thai bằng thuốc mỗi tháng cũng tiếp nhận 800 - 900 ca, trong đó phần lớn cũng ở tuổi vị thành niên.


Trưa ngày 6/6, trước cửa phòng hậu phẫu BV Từ Dũ, hơn mười cô gái đang ngồi chờ vào phòng làm thủ thuật NHT. Bắt chuyện với một cô bé khoảng 14-15 tuổi, tôi được biết: cô bé tên là H., 14 tuổi, nhà ở Q.10. Cách đây 5 tháng, H. đến nhà V. - bạn cùng lớp học thêm, nhưng hôm ấy cô giáo bận nên cả nhóm ra về. Riêng H. ở lại đợi mẹ đến đón.



Khoa kế hoạch hóa gia đình BV Từ Dũ luôn đông bệnh nhân, trong đó có rất nhiều bạn trẻ



Trong thời gian chờ mẹ, V. chiếu phim “tươi mát”, hai đứa cùng xem. Và V. đã rủ H. bắt chước phim làm “chuyện đó”. Sau nhiều lần “hẹn hò yêu đương”, H. thấy bụng mình to dần...


Bé Ng.Th.K., 14 tuổi, ở Long An, đi cùng mẹ đến để giải quyết cái bào thai hơn 5 tuần tuổi, nói tỉnh queo: “Em và anh hàng xóm mới thử có một lần, vậy mà cũng có bầu...”. Cạnh đó, thai phụ Tr.K.Th. - có thai 12 tuần tuổi - đang giục “chồng” (theo lời của Th.) – tìm giấy CMND. Sau một lúc tìm, “chồng” TH. trình ra được tấm thẻ học sinh, năm sinh: 1991 (17 tuổi). Th. không được làm thủ thuật NHT vì BV yêu cầu phải có người nhà đi cùng. Bước ra ngoài, cô bé mếu máo với “chồng”: "Biểu đi mướn một người làm mẹ cho người ta mà hổng mướn...”.


Tại khoa Kế hoạch hóa, BV Hùng Vương, một người phụ nữ khoảng 50 tuổi đang dỗ dành cô bé. Cô bé mếu máo không chịu bỏ thai. “Ba nó bỏ đi nước ngoài, mẹ ngồi tù vì bán hàng trắng. Con nhỏ phụ bán cà phê với tui, rồi thương một thằng lớn hơn chục tuổi đã có vợ con. Tui cấm cản, nó khai đã có bầu gần 5 tháng. Thai lớn nên BS kêu đi “đặt thuốc” cho sinh non”, bà ngoại cô bé cho biết.



Một bé 9x



BS Dương Phương Mai - Trưởng khoa KHHGĐ, BV Từ Dũ, cho biết: Với trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi), các bộ phận cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, nên việc nạo phá thai dễ xảy ra rủi ro như: băng huyết, tổn thương cơ quan sinh sản, rách cổ tử cung, thủng cổ tử cung; nhiễm trùng ở vùng chậu hay nhiễm trùng toàn thân dẫn đến nhiễm trùng huyết... NHT đối với trường hợp thai lớn thì sự nguy hiểm càng cao, nguy cơ bị vô sinh, vô kinh, thai ngoài tử cung về sau là rất lớn.



Ảnh minh họa



BS Nguyễn Thị Bạch Nga - Trưởng khoa KHH, BV Hùng Vương cho biết thêm: ngoài vấn đề về sức khỏe sinh sản, NHT ở tuổi vị thành niên còn dẫn đến nguy cơ trầm cảm về sau, nhất là những trường hợp NHT nhiều lần. Với một số em, việc nạo phá thai gây ra stress, ảnh hưởng xấu đến tâm lý.


Nếu trước đây phần lớn các trường hợp trẻ vị thành niên mang thai là do bị hãm hiếp, bị làm hại... thì hiện nay, lý do phổ biến là tự nguyện “quan hệ”. Bởi phim ảnh, internet hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Vào độ tuổi này, trẻ rất tò mò, thích thử sức và khám phá mọi điều, nhất là về giới tính, trong khi sự hiểu biết về giới tính lại rất mù mờ.




Đáng lo ngại là nhiều em - dù chủ động quan hệ tình dục - nhưng vẫn không có kiến thức về việc mang thai cũng như phòng tránh thai. Có những em phát hiện mình đã có thai nhưng lại không dám thổ lộ với ai nên khi đến được BV thì bào thai đã lớn.


Những em đã từng quan hệ, có thai và phá bỏ nhiều lần thì lại rất “láu cá” và tưởng tượng ra cả trăm tình huống "bị hại" rất hãi hùng: bị hiếp dâm trong một ngôi nhà hoang, hay bị lừa uống phải nước có thuốc kích thích... để mong nhận được sự thông cảm, sẻ chia của mọi người. Vì thế, chúng ta cần phải quan tâm “vẽ đường cho hươu chạy đúng”. Một cử chỉ thiếu tế nhị của gia đình cũng khiến trẻ “bất hợp tác”.


Ngay cả với BS, một khi không tạo được niềm tin cho các em thì các em sẽ không quay lại BV nữa, điều này sẽ càng nguy hiểm hơn, nếu các em phá thai ở những cơ sở lậu bên ngoài.



TS tâm lý Đinh Phương Duy cho biết: NHT vị thành niên sẽ để lại một chấn động đầu đời cho các em về tâm lý. Bởi các em phải trải qua 2 lần áp lực: đầu tiên là hoang mang, căng thẳng, lo lắng khi biết mình có thai. Tiếp đến là áp lực của việc NHT.

Điều này cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của từng bạn trẻ: Có em xem đây là chuyện bình thường. Nhưng với những em sinh trưởng trong gia đình gia giáo, được kỳ vọng nhiều thì việc có thai và NHT sẽ để lại một di chứng tâm lý kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học hành của các em.

Để giải tỏa tâm lý nặng nề này, tốt nhất các em nên thổ lộ với người thân những khó khăn của mình. Người lớn sau khi giúp các em giải quyết an toàn, cần giúp các em thoát khỏi những ám ảnh tội lỗi.

TS tâm lý




(Theo PhuNu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét